Chàm sữa (lác sữa) là một bệnh ngoài da mãn tính ở trẻ em, phổ biến ở lứa tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi. Bệnh xuất hiện do yếu tố di truyền và không lây lan. Khi mắc phải căn bệnh này, trẻ thường bị xuất hiện các nốt hồng ban, sẩn, mụn nước, các lớp vảy bong tróc trên da ở các vị trí như hai má, có thể lan đến cằm, da đầu, trán,… Các biểu hiện này rất dễ tái phát và nếu trẻ không được chăm sóc và điều trị kỹ lưỡng, phù hợp sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống sau này. Chính vì thế cha mẹ hơn hết cần biết cách chăm sóc cho trẻ ngay khi bệnh ở giai đoạn đầu.
Nhận biết các yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh ngày càng nặng thêm
Bệnh chàm sữa ở trẻ em là một bệnh ngoài da cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính. Tuy nhiên, một số yếu tố được xác định có liên quan chặt chẽ tới tình trạng này thường do yếu tố di truyền (tiền căn cá nhân, gia đình bị dị ứng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm thể tạng) và các tác nhân từ bên ngoài khác, bao gồm:
– Do dị ứng nguyên như: dị ứng thức ăn, bụi bẩn, không khí môi trường, vật nuôi,…
– Các tác nhân gây kích ứng da khi tiếp xúc như: xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, vải len, khói thuốc…
– Do khí hậu, thời tiết nóng, lạnh thay đổi thất thường
– Nhiễm trùng, nhiễm siêu vi.
– Tiêm phòng, đặc biệt là tiêm phòng đậu mùa.
– Do thói quen: tắm nhiều bằng nước nóng gây khô da, vệ sinh không sạch sẽ gây viêm nhiễm,…
Cách chăm sóc khi trẻ bị chàm sữa
Khi trẻ bị chàm thể tạng, cha mẹ cần biết cách chăm sóc phù hợp để tránh cho bệnh phát triển nặng thêm cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tới cuộc sống sau này của trẻ. Trước tiên, khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán. Cùng với đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc và chữa bệnh lác sữa cho trẻ. Bên cạnh đó, cần tuân thủ theo cách chăm sóc dưới đây:
– Không nên để bé tiếp xúc với xà phòng, bột giặt, thuốc tẩy, nước hoa, phấn rôm… Đây là các chất rất dễ gây kích ứng da vốn đã bị tổn thương của trẻ khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
– Cha mẹ cần cho bé mặc những bộ quần áo thoáng mát vào mùa hè. Nên lựa chọn vải có chất liệu cotton để thấm tốt mồ hôi và cho da thông thoáng. Không mặc đồ trẻ quá chật hay bằng vải len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da.
– Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày để loại bỏ vi khuẩn và lớp da bong tróc. Các bạn chú ý không nen cho trẻ tắm nước quá nóng hoặc nhiều lần. Cắt ngắn móng tay để tránh bé gãi khi ngứa làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Nên đi găng tay cho bé để hạn chế cào gãi.
– Dọn dẹp nhà ở, không gian sống thật thông thoáng, không có khói thuốc, không dùng nước hoa, không nuôi chó, mèo. Không để nhiệt độ phòng quá nóng, quá lạnh hay độ ẩm quá thấp.
– Chế độ ăn uống cho trẻ: Cho trẻ ăn uống đầy đủ, chỉ kiêng cữ một số thực phẩm có thể làm bệnh chàm của bé nặng hơn qua kinh nghiệm nuôi trẻ mỗi ngày. Cho trẻ uống nhiều nước; vệ sinh kỹ vùng mặt, miệng sau mỗi lần ăn hay bú sữa.
– Không nên tự ý sử dụng thuốc, nhất là thuốc bôi có chứa corticosteroids. Không nên cho bé tiêm chủng trong thời gian điều trị vì có thể làm bệnh nặng thêm.