Vệ sinh mũi họng bằng nước muối
Sau khi đi từ bên ngoài trở về nhà hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, hãy dùng nước muối sinh lý để xịt hoặc rửa mũi, súc họng cho trẻ nhằm giữ độ ẩm và làm sạch đường hô hấp. Nước muối sinh lý có bán rộng rãi tại các nhà thuốc.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Nếu có điều kiện, dùng máy tạo độ ẩm trong những ngày khô hanh sẽ tránh được việc không khí khô kích thích các xoang, gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, cần thường xuyên vệ sinh máy tạo độ ẩm để ngăn ngừa nấm mốc phát triển.
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm, hải sản…
Không để nước từ bên ngoài lọt vào xoang
Tránh nhảy ùm xuống nước khi đi bơi, tránh để bị sặc nước, bơi lội quá lâu trong hồ bơi. Nước từ môi trường ngoài thường có nhiều vi khuẩn hoặc hóa chất, khi lọt vào trong xoang dễ gây viêm nhiễm.
Giữ tay sạch và đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống
Rửa tay sạch, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là thói quen phụ huynh cần tập cho trẻ. Do chúng ta thường dùng tay cầm nắm đồ vật, bắt tay, dụi mắt… nên tay không sạch thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống cũng giúp trẻ đỡ bị ảnh hưởng của những nhân tố gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp dẫn đến viêm xoang.
Tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp
Do một số bệnh về đường hô hấp trên như cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng… có thể dẫn đến viêm xoang nên tiêm ngừa các bệnh này cũng là một cách để phòng ngừa viêm xoang.
Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nơi mầm bệnh dễ lây lan
Nên giữ trẻ tránh tiếp xúc với người bệnh cảm lạnh hoặc người có vấn đề với đường hô hấp trên, tránh những khu vực đông người nơi bệnh dễ dàng lây lan như trường học, bệnh viện, tòa nhà văn phòng, rạp hát, đường phố đông đúc, trung tâm thương mại… Nếu phải tiếp xúc hoặc đến những nơi như vậy thì cần mang khẩu trang. Trẻ em mắc bệnh nên nghỉ học ở nhà, chờ khỏe lại rồi mới đến lớp để tránh lây cho các trẻ khác.