Bệnh vảy nến có chữa được không là thắc mắc của khá nhiều bệnh nhân. Theo các chuyên gia Da liễu, nguyên nhân gây bệnh còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên hiện nay không có biện pháp chữa trị dứt điểm. Mục tiêu chính của việc điều trị là làm giảm tổn thương da, cải thiện yếu tố thẩm mỹ và ngăn ngừa biến chứng.
Bệnh vảy nến có chữa khỏi được không?
Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính, điển hình bởi tổn thương da nổi cộm và bề mặt bong nhiều vảy trắng. Bệnh có cơ chế miễn dịch với gen gây bệnh nằm ở nhiễm sắc thể số 6. Tuy nhiên bệnh lý này chỉ khởi phát khi có tác động của các yếu tố nội giới và môi trường như căng thẳng thần kinh, chấn thương cơ học, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, nghiện rượu bia,…
Các yếu tố này kích thích gen gây bệnh, sau đó hoạt hóa tế bào của hệ miễn dịch (chủ yếu là tế bào lympho T), thúc đẩy sản sinh các chất trung gian hóa học, dẫn đến hiện tượng tăng sinh tế bào biểu bì và gây ra vảy nến.
Mặc dù có cơ chế phức tạp nhưng phần lớn các trường hợp bị vảy nến đều tương đối lành tính, hầu như chỉ gây thương tổn ngoài da và hiếm khi đe dọa đến sức khỏe – trừ một số thể nặng như viêm khớp vảy nến, vảy nến toàn thân và vẩy nến thể mủ.
Ngoài vấn đề về cách nhận biết , khá nhiều bệnh nhân thắc mắc “Bệnh vảy nến có chữa được không?”. Theo các chuyên gia Da liễu, nguyên nhân gây vảy nến còn nhiều điểm không rõ ràng nên hiện nay chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm.
Mục đích của việc điều trị là làm giảm tổn thương lâm sàng, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, tuân thủ điều trị còn giúp kéo dài thời gian tái phát, ổn định bệnh và hạn chế bệnh tiến triển thành các thể nặng.
Các biện pháp giúp kiểm soát bệnh vảy nến
Hiện nay, chưa phương pháp tối ưu trong quá trình chữa trị bệnh vảy nến. Điều trị chủ yếu là giảm nhẹ biểu hiện lâm sàng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện yếu tố thẩm mỹ. Chính vì vậy ngoài phương pháp y tế, bạn cần kết hợp với chế độ chăm sóc để kiểm soát tổn thương da và ngăn chặn tiến triển của bệnh.
1. Sử dụng thuốc bôi uống
Sử dụng thuốc là biện pháp điều trị phổ biến đối với các bệnh da liễu nói chung và vảy nến nói riêng. Mặc dù có hiệu quả trong việc giảm nhẹ tổn thương da và cải thiện triệu chứng cơ năng nhưng hầu hết các loại thuốc điều trị vảy nến đều có thể gây ra tác dụng phụ và rủi ro. Do đó, cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.
Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh vảy nến:
- Thuốc mỡ Acid salicylic giúp bong vảy, bạt sừng
- Thuốc Goudron có tác dụng cải thiện vảy bong, làm tan nhiễm cộm và thuyên giảm tổn thương da
- Thuốc bôi Anthralin giảm viêm đỏ, bong vảy và nhiễm cộm
- Thuốc mỡ Corticoid có tác dụng chống gián phân, giảm viêm, loại bỏ vảy bong và ức chế hình thành tổn thương mới
- Thuốc bôi chứa Calcipotriol giảm tổn thương do vảy nến bằng cách ức chế tế bào miễn dịch
- Thuốc uống Retinoid là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị vảy nến. Thuốc có tác dụng điều biến miễn dịch, tác động lên gen của chất keratin trong da và làm chậm quá trình tăng sản tế bào biểu bì
- Các thuốc ức chế miễn dịch đường uống như Cyclosporin và Methotrexate chỉ được sử dụng ở các thể vảy nến nặng hoặc tổn thương do vảy nến chiếm hơn 50% diện tích da toàn thân
- Thuốc sinh học là giải pháp điều trị vảy nến mới và được sử dụng chủ yếu ở đường tiêm. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách điều hòa tế bào gây viêm, giảm rối loạn miễn dịch và cải thiện tổn thương do vảy nến
- Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc kháng histamine tổng hợp, thuốc canxi clorua và các viên uống bổ sung như vitamin H3, Biotin, vitamin A, C, B12,…
Bên cạnh thuốc Tây, bạn cũng có thể điều trị vảy nến bằng thuốc Đông y. Thuốc Đông y có độ an toàn cao, chi phí vừa phải và phù hợp với nhiều đối tượng. Thống kê cho thấy, thuốc Đông y có thể giảm 70 – 75% biểu hiện lâm sàng của các thể nhẹ nhưng không ngăn ngừa được tình trạng tái phát.
2. Áp dụng quang trị liệu
Quang hóa trị liệu là một trong những phương pháp điều trị vảy nến phổ biến. Phương pháp này sử dụng tia cực tím nhân tạo nhằm giảm hoạt hóa lympho T, ức chế sản xuất các chất trung gian hóa học và hạn chế tăng sinh tế bào sừng.
Quang hóa trị liệu giúp loại bỏ tổn thương da nhanh chóng và rõ rệt, đặc biệt có hiệu quả trong giai đoạn vượng và tái phát bệnh. Thống kê cho thấy, biện pháp này giúp cải thiện lâm sàng từ 70 – 95% và hạn chế được nguy cơ lạm dụng thuốc. Tuy nhiên quang hóa trị liệu có thể gây ra một số tác dụng phụ như ngứa, nổi mụn nước, buồn nôn, đỏ da, tăng sắc tố,…
3. Kết hợp với chế độ chăm sóc
Điều trị vảy nến đòi hỏi phải kết hợp giữa phương pháp y tế với chế độ chăm sóc. Chăm sóc đúng cách có thể cải thiện tổn thương da, hạn chế bệnh tái phát và giảm nguy cơ lạm dụng thuốc.
Chế độ chăm sóc cho người bị vảy nến, bao gồm:
- Cần tránh tâm lý bi quan, lo lắng và căng thẳng quá mức. Yếu tố này có thể kích thích bệnh bùng phát mạnh, tiến triển theo chiều hướng tiêu cực và tái phát nhiều lần.
- Nên nghỉ ngơi và hạn chế lao động nặng trong thời điểm bệnh bùng phát mạnh.
- Không nên thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc và giảm khối lượng công việc để kiểm soát căng thẳng và tránh suy giảm thể trạng.
- Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên giúp làm mềm da, giảm viêm đỏ và hạn chế tăng sừng. Ngoài ra, một số thành phần trong kem dưỡng còn giúp phục hồi các tế bào tổn thương và tăng cường màng lipid trên bề mặt da.
- Nên uống nhiều nước và ăn uống điều độ. Ngoài chức năng cung cấp năng lượng cho cơ thể, một số loại thực phẩm còn giúp điều hòa miễn dịch và nuôi dưỡng làn da.
- Tắm nước ấm 1 lần/ ngày giúp làm mềm da và loại bỏ tế bào chết. Bên cạnh đó, biện pháp này còn giúp hạn chế tình trạng sử dụng các loại thuốc bạt sừng, bong vảy,…
- Tập thể dục thường xuyên không chỉ cải thiện hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể mà còn giúp kiểm soát căng thẳng và tác động tích cực đến tiến triển của bệnh.
- Tắm nắng 5 phút/ ngày vào sáng sớm đem lại nhiều lợi ích đối với bệnh vảy nến. Tia UV trong ánh nắng có tác dụng biệt hóa tế bào thượng bì, hạn chế tăng sinh tế bào sừng và hỗ trợ làm giảm tình trạng tái phát.
- Hạn chế các thói quen ảnh hưởng xấu đến bệnh như dùng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng cà phê và chất kích thích.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc “Bệnh vảy nến có chữa được không?” và đề cập đến các phương pháp giúp kiểm soát bệnh. Tuy nhiên để được tư vấn cụ thể về phương hướng điều trị, bạn nên tìm gặp và trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm: Bệnh vảy nến có lây không, làm sao phòng ngừa?