Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã ký thỏa thuận đối tác song phương đầu tiên (gọi là Thỏa thuận tài trợ khung có giới hạn phạm vi) giữa USAID và Bộ NN&PTNT về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022-2027.
Với ngân sách dự trù lên tới 50 triệu USD, thông qua thỏa thuận này, USAID sẽ hỗ trợ Bộ NN&PTNT giảm phát thải khí mêtan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho những cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng chính sách về chống chịu với khí hậu, phát thải thấp.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Bộ NN-PTNT là một trong những cơ quan tiên phong và chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện rất thực chất và hiệu quả với các đối tác Hoa Kỳ về các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác và ủng hộ của Hoa Kỳ trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam thông qua các chương trình tư vấn về chính sách để hoàn thiện các Luật và quy định pháp luật trong các lĩnh vực như chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thuỷ sản, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu…
Để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Bộ NN&PTNT đã tham gia nhiều sáng kiến với Hoa Kỳ cùng các nước và các tổ chức quốc tế như sáng kiến “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu”; liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên”; Sáng kiến 100 triệu nông dân chuyển đổi sang hệ thống lương thực không phát thải và thân thiện với môi trường”…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ hàng năm đã tài trợ cho ngành nông nghiệp hàng chục triệu USD để triển khai các dự án trong hợp tác khoa học công nghệ ở các lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn đa dạng sinh học…
Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ, Bộ Ngoại giao và nhân dân Hoa Kỳ đã luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ Việt Nam nói chung, Bộ NN-PTNT nói riêng trong suốt thời gian qua và mong muốn các bên tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ song phương tốt đẹp trong thời gian tới.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Sherman nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa USAID và Bộ NN&PTNT trong nỗ lực hỗ trợ người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong nông nghiệp. Giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu phải là một nỗ lực tập thể và nỗ lực này cần bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ tăng cường khả năng chống chịu với môi trường đến giảm phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học”.
Cũng tại sự kiện này, USAID và Bộ NN&PTNT đã khởi động Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp nhằm hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Dự án được thực hiện trong 5 năm với ngân sách 15 triệu USD nhằm mục tiêu tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã thông qua thúc đẩy cam kết của các lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết, theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ như hiện nay thì các loài động vật nguy cấp nhất và mang tính biểu tượng nhất của thế giới như tê giác, voi, tê tê và hổ sẽ biến mất khỏi hành tinh của chúng ta trong vòng vài thập kỷ tới. Thông qua dự án mới này, USAID sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép và bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia trung chuyển, nguồn và điểm đến trong chuỗi cung ứng của nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Dự án mới sẽ tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt và buôn bán trong nước và quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn. Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Mỹ) là đơn vị thực hiện dự án phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Việc thực hiện hiệu quả dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”.
Đại diện Bộ NN-PTNT và USAID cùng bấm nút khởi động Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp