Blogs Blogs

Atrás

Chàm sữa: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị


Chàm sữa là bệnh lý cơ địa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện với triệu chứng đỏ, ngứa hoặc khô ở da. Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể phát triển thành chàm thể tạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân.

Chàm sữa
Chàm sữa là bệnh lý mãn tính, rất dễ tái phát

Chàm sữa là bệnh gì?

Chàm sữa hay còn gọi là bệnh viêm da cơ địa, Eczema hoặc lác sữa. Đây là bệnh rối loạn miễn dịch, xuất hiện chủ yếu ở những đối tượng có cơ địa dị ứng. Thông thường, bệnh chàm sữa thường gặp ở trẻ từ 3 – 24 tháng tuổi. Theo thống kê có đến 20% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc phải căn bệnh này trong những tháng đầu đời.

Theo các chuyên gia, có rất ít trường hợp mắc bệnh chàm sữa phát triển cho đến khi trưởng thành. Triệu chứng bệnh thường giảm dần và biến mất sau khi trẻ được 1 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có đặc điểm tái phát nhiều lần, nếu không điều trị và kiểm soát tốt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.

Nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ

Các nhà nghiên cứu không biết chính xác nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Tuy nhiên, họ cho biết, bệnh hình thành có thể là do sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường.

Bác sĩ Lê Phương Quân dân 102
Theo bác sĩ Lê Phương, địa chỉ và phương pháp chữa viêm da là yếu tố quyết định đến 80% hiệu quả điều trị, 20% còn lại do ý thức dùng thuốc đúng cách, tự chăm sóc của người bệnh.

Hai tác nhân này sẽ khiến hàng rào bảo vệ da bị hư tổn, tạo điều kiện cho tác nhân bên ngoài xâm nhập vào da, gây kích ứng và viêm da. Mặt khác, hàng rao da bị tổn thương, làm mất cân bằng độ ẩm trên da. Khi đó, nước trong da thoát ra ngoài quá mức dẫn đến tình trạng khô, ngứa và đỏ trên da.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm sữa

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều khả năng phát triển bệnh chàm, nguyên nhân chủ yếu là do:

  • Cơ đị dị ứng: Trẻ bị dị ứng với lông thú cưng, khói bụi, thực phẩm, khói thuốc lá, quần áo, xà phòng tắm hoặc chất xả vải,…
  • Thời tiết: Theo các chuyên gia, thời tiết lạnh, hanh khô hoặc khô nóng làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm sữa ở trẻ em.
  • Yếu tố khác: Bao gồm rối loạn tiêu hóa, trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ có cha mẹ mắc bệnh dị ứng thời tiết, dị ứng da, hen suyễn hoặc mề đay mẫn ngứa,…
Bệnh chàm sữa
Yếu tố thời tiết làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm sữa ở trẻ

Triệu chứng bệnh chàm sữa

Khi mắc bệnh, người bệnh thường gặp các triệu chứng điển hình sau:

  • Đỏ và sưng trên da
  • Ngứa và khô da
  • Da dày
  • Trẻ quấy khóc
  • Vùng da quanh mắt, miệng và tai thay đổi, trở nên sẫm màu hơn
  • Nổi mụn nước, chảy tiết dịch vàng trên da

Các triệu chứng bệnh như nổi mẩn đỏ và khô da thường xuất hiện ở các vị trí như nếp gấp khuỷu tay, khuỷu chân hoặc trên mặt,… Ở một số trường hợp bệnh nặng, các biểu hiện này có thể phát triển và lan rộng khắp người.

Mặt khác, mức độ ngứa da ở mỗi trẻ thường không giống nhau, điều này còn phụ thuộc vào mức độ bệnh. Ở những trẻ bệnh mới khởi phát, triệu chứng ngứa thường nhẹ nhưng ở những đối tượng giai đoạn nặng, ngứa ngáy càng thêm dữ dội. Nếu trẻ gãi ngứa có thể khiến da bị tổn thương nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ viêm hoặc nhiễm trùng da.

Điều trị bệnh chàm sữa

Theo các chuyên gia, không có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh chàm sữa. Tuy nhiên, triệu chứng bệnh thường trở nên ít nghiêm trọng hơn khi trẻ lớn lên. Để kiểm soát tình trạng ngứa và khó chịu trên da do bệnh gây nên ở trẻ, cha mẹ có thể thực hiện theo các biện pháp chăm sóc bệnh tại nhà sau đây:

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm: Một số loại kem dưỡng ẩm, thuốc mỡ có tác dụng làm mềm, giảm khô da và hỗ trợ cải thiện tình trạng ngứa trên da. Cha mẹ có thể sử dụng kem Atopalm, Ceradan hoặc Dexeryl,… mỗi ngày nhằm giúp đẩy lùi triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.
  • Tắm nước ấm cho trẻ: Nước lạnh có thể kích ứng khiến bệnh bùng phát mạnh. Vì vậy, để giảm ngứa và kiểm soát bệnh, cha mẹ nên tắm nước ấm cho trẻ. Tuy nhiên, thời gian tắm nên giới hạn từ 5 – 10 phút. Trong quá trình tắm không nên chà xát da bé quá nhiều. Đồng thời, sau khi tắm xong nên lau khô bằng khăn bông hoặc khăn tắm mềm.
  • Tránh gãi ngứa: Gãi ngứa có thể gây trầy xước, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm da. Vì vậy, để hạn chế gãi ngứa ở trẻ, cha mẹ nên cắt móng tay của trẻ hoặc sử dụng găng tay.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh: Không cho trẻ tiếp xúc với tác nhân  gây bệnh từ bên ngoài bằng cách đeo khẩu trang, che kín khi ra ngoài. Bên cạnh đó, không cho trẻ tiếp xúc với thú cưng. Tránh sử dụng xà phòng, sản phẩm có mùi hoặc nước xả vải có tính chất tẩy mạnh ở trẻ.
  • Giữ cho bé mát mẻ: Để tránh đổ mồ hôi quá nhiều, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng, thoải mái với chất liệu thấm hút tốt. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể sử dụng khăn ướt hoặc miếng gạc mát đặt lên khu vực bị kích thích nhằm giúp giảm ngứa và giảm viêm.
Chàm sữa
Tắm rửa thường xuyên giúp đẩy lùi triệu chứng chàm sữa ở trẻ

Trong trường hợp nặng, bên cạnh sử dụng các biện pháp nêu trên, nhân viên y tế cũng đề nghị cho trẻ sử dụng một số loại thuốc nhằm kiểm soát tình trạng khô da, giảm viêm và ngăn ngừa bệnh bùng phát trong tương lai như:

  • Sử dụng thuốc kháng histamine
  • Thuốc corticosteroid tại chỗ
  • Thuốc ức chế hệ miễn dịch
  • Thuốc ức chế Calcineurin tại chỗ (thuốc chống viêm không chứa steroid)

Ngoài ra, bác sĩ cũng yêu cầu sử dụng thuốc kháng sinh, kháng vi rút hoặc kháng nấm trong trường hợp trẻ bị chàm sữa kèm theo tình trạng nhiễm trùng da do vi rút, vi khuẩn hoặc nấm gây nên.

Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm sữa

Cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau đây để phòng ngừa bệnh chàm sữa ở trẻ:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ: Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên duy trì cho bé bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng. Còn ở những trẻ ăn dặm, phụ huynh nên tránh cho bé sử dụng một số loại thực phẩm gây dị ứng như lạc, hải sản hoặc trứng,…
  • Thường xuyên vệ sinh thân thể cho trẻ: Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách cho trẻ tắm mỗi ngày. Tuy nhiên, không nên tắm trẻ quá lâu với xà phòng hoặc sữa tắm.
  • Chú ý môi trường sống xung quanh của trẻ: Để phòng ngừa bệnh chàm sữa phát triển, cha mẹ nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ mỗi ngày. Đồng thời, điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp và hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Bệnh chàm sữa không lây và tự khỏi theo thời gian trẻ lớn lên. Tuy nhiên, bệnh nếu không được kiểm soát sẽ phát triển theo chiều hướng xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính thẩm mỹ. Vì vậy, khi gặp phải triệu chứng bệnh, người bệnh nên thăm khám và điều trị sớm.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn nội dung: https://vcep.vn/cham-sua-1544.html
Trang chủ: https://vcep.vn/
Comentarios
No hay ningún comentario aún. Sea usted el primero.