Buổi chiều, thân nhiệt của chúng ta thường tăng nhẹ và tình trạng này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bạn sốt về chiều lại là một vấn đề hoàn toàn khác vì nó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý và gây hại cho sức khỏe nếu không được khắc phục kịp thời. Vậy sốt về chiều là biểu hiện của bệnh gì?
27/07/2021 | Cách xử trí sốc sốt xuất huyết Dengue kịp thời, hiệu quả
17/07/2021 | Những điều cần biết về tình trạng sốt cỏ khô - viêm mũi dị ứng
15/07/2021 | Sốt thấp khớp là bệnh gì? Phương pháp điều trị như thế nào?
13/07/2021 | Chăm sóc bà bầu khi bị sốt thế nào để nhanh hồi phục
1. Sốt về chiều là biểu hiện của bệnh gì?
Một số bệnh lý dưới đây có thể gây ra tình trạng sốt về chiều:
Sốt virus
Khi sốt virus, người bệnh có thể sốt cao lên tới 40 độ C và rất khó để hạ sốt. Tình trạng sốt có thể kéo dài cả ngày nhưng thường sốt cao hơn khi về chiều. Ngoài tình trạng sốt cao liên tục, bệnh nhân còn cảm thấy đau nhức toàn thân, cơ thể mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, ho nhiều, đau rát họng, mắt đỏ, phát ban trên da hoặc cũng có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa,…
Không nên chủ quan khi sốt về chiều
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nếu không biết cách vệ sinh vùng kín, vi khuẩn sẽ rất dễ xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể bạn. Phổ biến nhất là tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu. Khi mắc bệnh, biểu hiện của bệnh nhân thường là tình trạng tiểu rắt, đau buốt khi tiểu, nước tiểu màu đậm, nghiêm trọng hơn là nước tiểu có mùi hôi, khó chịu,… Kèm theo những biểu hiện bệnh này, bạn còn có thể xảy ra tình trạng sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy từng mức độ bệnh. Tuy nhiên, vào buổi chiều, người bệnh thường sốt cao và tần suất sốt cũng nhiều hơn.
Sốt về chiều có thể do một số bệnh lý về gan
Bệnh lý về gan
Một số bệnh lý về gan thường gặp chẳng hạn như bệnh viêm gan, xơ gan hay ung thư gan,... Khi mắc bệnh, virus gây bệnh sẽ làm tổn thương tế bào gan, làm suy yếu chức năng của hệ thống đường mật, khả năng đào thải độc tố của gan bị suy giảm,… Từ đó, tạo điều kiện cho những độc tố tích tụ lại trong cơ thể và gây ra tình trạng sốt.
Ở giai đoạn đầu, những cơn sốt thường chỉ thoáng qua, khiến người bệnh chủ quan và cho rằng đây chỉ là hiện tượng sốt thông thường. Tuy nhiên, bệnh càng nặng thì những cơn sốt sẽ càng nghiêm trọng hơn, tần suất sốt sẽ nhiều hơn và thường sốt về chiều.
Khi mắc những bệnh lý về gan, người bệnh còn có thể gặp phải một số biểu hiện phổ biến như nôn và buồn nôn, vàng da, vàng mắt, đau hạ sườn phải và chán ăn,…
Viêm màng não
Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời nó có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh. Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh nhiễm khuẩn màng não chính là tình trạng sốt về chiều, nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân kèm theo chứng co giật hay hôn mê, thậm chí là liệt nửa người. Một số biểu hiện khác là đau đầu, buồn nôn và nôn.
Sốt về chiều do nhiễm khuẩn màng não
Lao
Ngoài tình trạng ho nhiều, ho liên tục, ho dữ dội, thậm chí là ho ra máu, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, bệnh nhân mắc lao cũng phải đối mặt với những cơn sốt khi về chiều. Nguyên nhân là do khuẩn bệnh tấn công vào màng phổi, phổi và tấn công vùng bụng của bạn.
Máu ác tính
Bạn không nên chủ quan khi cơ thể xuất hiện tình trạng sốt về chiều. Một nguyên nhân nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng này chính là bệnh máu ác tính, đặc biệt là bệnh bạch cầu. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, nhưng ở giai đoạn sau, bệnh đã tiến triển nhiều hơn khiến những cơn sốt nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sốt cao hơn, nhất là khi về chiều và kèm theo đó là những biểu hiện thiếu máu, da xanh, nhợt nhạt,…
Sốt về chiều do bệnh máu ác tính
Các bệnh ung thư
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc ung thư cũng có biểu hiện sốt cao khi về chiều. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư thường rất kém. Tình trạng sốt rất dễ gặp ở những bệnh nhân ung thư gan, dạ dày, đại tràng,...
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là tình trạng sốt qua cơ chế dị ứng. Bên cạnh đó, các loại thuốc an thần, thuốc điều trị viêm đường hô hấp, thuốc điều trị nhiễm trùng da, điều trị rối loạn mô liên kết,... cũng có thể gây ra những cơn sốt cho người bệnh khi sử dụng.
2. Phải làm sao khi bị sốt về chiều?
Nếu tình trạng thân nhiệt tăng nhẹ vào buổi chiều thì bạn không cần quá lo lắng vì đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể.
- Trong trường hợp sốt khi chưa rõ nguyên nhân nhưng không kèm theo những biểu hiện khác, bạn cần theo dõi cơ thể và có thể chăm sóc tại nhà bằng những phương pháp dưới đây:
-
Nhanh chóng giúp cơ thể hạ sốt bằng các phương pháp như chườm khăn ấm lên vùng trán, lau khăn ấm lên vùng bẹn và vùng nách. Nếu sốt trên 38 độ, có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol.
-
Uống nhiều nước hoặc có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể từ những loại rau, trái cây.
-
Khi thân nhiệt đang cao, bạn cần phải lựa chọn những trang phục thoáng mát, có chất liệu mềm mại, thấm hút mồ hôi, giúp cơ thể giảm nhiệt nhanh nhất có thể. Tránh mặc quần áo quá chật, khiến cho cơ thể càng mệt mỏi hơn.
- Trong trường hợp, bệnh nhân bị sốt kéo dài, khó hạ sốt và kèm theo nhiều biểu hiện nghiêm trọng khác như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn,… Bạn nên đưa người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh, đồng thời đưa ra những phương án điều trị bệnh kịp thời.
Lưu ý không nên tự mua thuốc để điều trị bệnh. Điều này có thể khiến bệnh thêm trầm trọng và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Sốt về chiều là biểu hiện của bệnh gì”. Lời khuyên cho bạn là hãy đi khám sớm để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn còn băn khoăn hay cần đến sự hỗ trợ tư vấn hãy gọi tới hotline 1900 56 56 56, các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc và đặt lịch khám sớm cho bạn.