Blogs Blogs

Zurück

Chăm sóc da: Cách chọn kem dưỡng ẩm

kem dưỡng ẩm

Ảnh từ bài viết: STOP - Cetaphil - Review kem dưỡng ẩm Cetaphil giúp hết mụn ?! trên trang Tuidungroi Official - Blog chính thức của bác sĩ Thanh Nguyen.

Bổ sung độ ẩm là một bước chăm sóc da thiết yếu mà hầu như ai cũng biết, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại kem dưỡng ẩm da lại không hề đơn giản, bởi có rất nhiều loại kem dưỡng ẩm cho từng loại da như: Kem dưỡng ẩm da mặt, kem dưỡng ẩm cho da khô, kem dưỡng ẩm cho da dầu,....

Lựa chọn kem dưỡng ẩm da hay lotion, hay thuốc mỡ?

Lựa chọn một loại kem dưỡng ẩm là điều thiết yếu cho dù da bạn thuộc loại da khô hay da dầu hoặc là kết hợp cả hai loại trên. Với một loại da sẽ có một sự lựa chọn với các cấp độ phù hợp từ lotion đến kem dưỡng ẩm và hơn nữa là thuốc mỡ.

Nếu như bạn bị ngứa hoặc khô da, bạn nên sử dụng thuốc mỡ để giữ độ ẩm cho da được tốt hơn. Trong khi dạng kem dưỡng ẩm da giúp hydrat hóa, phù hợp với da thường. Còn lotion là loại nhẹ nhất, đây là sản phẩm chăm sóc da cơ bản được tạo thành từ dầu và nước (nước là thành phần chính của sản phẩm này) phù hợp với loại da dầu.

Việc lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm da không phải chỉ khác nhau giữa người này với người kia mà còn có sự khác nhau giữa các vùng da trên cơ thể và tùy thuộc cả vào thời gian, địa điểm sử dụng. Chẳng hạn như:

  • Lựa chọn loại kem dưỡng ẩm nhẹ hơn cho ban ngày và một loại dày hơn cho ban đêm.
  • Sử dụng một loại kem dày hơn cho các vùng cơ thể khác và một loại kem dưỡng ẩm nhẹ cho khuôn mặt của bạn.
  • Vào mùa hè, mùa khô hanh cần sử dụng loại kem dưỡng ẩm dày hơn, còn mùa ẩm chỉ cần sử dụng loại kem dưỡng ẩm nhẹ hơn.

Hướng dẫn cách lựa chọn kem dưỡng ẩm da

Lựa chọn kem dưỡng ẩm khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Bất kể da của bạn thuộc loại nào, thì khi bạn ra ngoài trời nắng nên sử dụng kem dưỡng ẩm da với kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30. Nếu sử dụng cho vùng da mặt, bạn nên lựa chọn sản phẩm không chứa dầu và hương liệu.

Kem dưỡng ẩm da có thành phần chống oxy hóa: Kem dưỡng ẩm kết hợp với chất chống oxy hóa như trà xanh, hoa cúc, lựu hoặc chiết xuất rễ cây cam thảo có thể giúp giữ cho bất kỳ loại da nào cũng trông khỏe mạnh và căng mịn hơn. Chất oxy hóa sẽ giúp trung hòa các gốc tự do - các phân tử phá vỡ tế bào da.

Kem dưỡng ẩm da cho da dầu hoặc mụn trứng cá: Nếu da của bạn thuộc loại da nhờn hoặc dễ bị mụn trứng cá, bạn sẽ cần lựa chọn loại kem dưỡng ẩm da mặt không gây mụn và cũng không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Kem dưỡng ẩm cho da khô: Với loại da khô cần sử dụng loại kem dưỡng ẩm mạnh hơn, bạn nên lựa chọn sản phẩm có các thành phần như axit hyaluronic và dimethicone, các thành phần này giúp cho da giữ nước lâu hơn. Các thành phần khác như Glycerin, propylene glycol, protein và ure cũng giúp thu hút nước cho làn da của bạn.

Kem dưỡng ẩm cho da nhạy cảm: Nếu bạn có làn da nhạy cảm, bạn nên lựa chọn kem dưỡng ẩm không gây dị ứng và không mùi hương. Tốt nhất nên lựa chọn sản phẩm có chứa ít hơn 10 thành phần. Bởi càng có nhiều thành phần thì càng có nhiều khả năng tương tác với làn da nhạy cảm.

Kem dưỡng ẩm khi bị ngứa da: Da bạn bị ngứa, bạn đang sử dụng loại kem dưỡng ẩm không gây dị ứng nhưng cũng không giúp giảm tình trạng ngứa da, bạn hãy thử sử dụng một loại kem dưỡng da steroid hydrocortisone 1% trong khoảng một tuần sau đó dừng lại. Nếu điều này vẫn không giúp bạn thoát khỏi tình trạng ngứa da, bạn cần phải gặp bác sĩ da liễu, bởi rất có thể bạn đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng hơn về da.

Kem dưỡng ẩm da cho da chàm: Lựa chọn một loại thuốc mỡ dưỡng ẩm có chứa dầu hoặc đơn giản là một loại thuốc mỡ để giúp làm dịu các vết nứt nẻ trên da và giữ cho làn da mềm mại.

Những điều cần tránh khi lựa chọn kem dưỡng ẩm da

Không phải lúc nào có nhiều thành phần trong kem dưỡng ẩm da cũng là tốt nhất. Để đạt được hiệu quả cao nhất cho làn da của bạn, bạn cần tránh một số tính năng bổ sung trong sản phẩm, các tính năng đó bao gồm:

  • Chất tạo màu và nước hoa: Cho dù bạn muốn dưỡng ẩm cho da khô hoặc da nhạy cảm hay loại da nào khác, thì đa phần các chuyên gia đều khuyên nên tránh các thành phần không cần thiết và có khả năng gây kích ứng da như chất tạo màu và nước hoa. Các thành phần kháng khuẩn cũng có thể không cần thiết.
  • Thành phần thân thiện với cơ thể: Những gì được cho là tốt nhất cho cơ thể bạn không phải lúc nào cũng tốt với vùng da mặt của bạn. Khi lựa chọn kem dưỡng ẩm da mặt, các chuyên gia khuyên bạn nên tránh các thành phần như lanolin, dầu khoáng, sáp hoặc bơ hạt. Những chất này có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn trên mặt.
  • Quá nhiều axit: Nên tránh các loại kem dưỡng ẩm da có axit alpha-hydroxy, axit retinoic và axit salicylic nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc da khô. Các thành phần này có thể xâm nhập quá sâu vào trong da gay ra các rắc rối cho làn da mỏng mảnh.
  • Quá lạm dụng các thành phần steroid: Bạn cần hạn chế sử dụng kem steroid hoặc thuốc mỡ. Chỉ sử dụng sản phẩm này cho da ngứa và cũng chỉ dùng trong vòng 1 - 2 tuần, trừ trường hợp đó là lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Việc lạm dụng các loại kem này có thể khiến cho da bạn mỏng hơn và gặp phải các vấn đề khác về da.
  • Urê hoặc axit lactic (đối với da chàm hoặc da nứt nẻ): Cần tránh sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có chứa các thành phần này khi da khô. Bởi urê, axit lactic có thể làm nặng thêm các tình trạng kích ứng trên da hiện có.

3 mẹo để tận dụng tối đa chất dưỡng ẩm cho da

  1. Sử dụng nhiều hơn một loại kem dưỡng ẩm (nếu cần thiết): Không phải ai cũng cần đến một tủ chứa các sản phẩm dưỡng ẩm. Tuy nhiên, một loại kem dưỡng ẩm mỏng cho mặt và một loại kem đặc hơn cho các vùng da khác trên cơ thể sẽ phù hợp hơn với việc chăm sóc da toàn diện.
  2. Sử dụng kem dưỡng ẩm da khi da còn ẩm ướt: Bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm một vài phút, sau đó vỗ nhẹ cho da khô.
  3. Sử dụng kem dưỡng ẩm da có tác dụng kép: sử dụng kem dưỡng ẩm có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Các chuyên gia cũng khuyên bạn dùng vitamin A hoặc axit alpha-hydroxy để tăng cường chống lão hóa.

Xem thêm

Tham khảo

  1. Chăm sóc da: Cách chọn kem dưỡng ẩm | Vinmec
  2. Tuidungroi Official - Blog chính thức của bác sĩ Thanh Nguyen
Comments