Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên phun thuốc vào giữa các hốc mũi thay vì dọc theo vách ngăn mũi ở giữa.
Thuốc giảm đau
Một vài thuốc giảm đau, hạ sốt cũng có thể có tác dụng cho người bị viêm xoang, đặc biệt là với các đợt cấp tính. Bác sĩ có khi cho bạn sử dụng một số thuốc trị viêm xoang như paracetamol, ibuprofen, aspirin hoặc kê đơn những loại thuốc khác có tác dụng mạnh hơn. Tuy nhiên, có những người mắc bệnh hen suyễn thường nhạy cảm với ibuprofen hoặc aspirin nên bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi muốn sử dụng các thuốc viêm xoang này.
Thuốc kháng sinh
Kháng sinh là các chất dùng để điều trị nhiễm khuẩn. Một số trường hợp viêm xoang có nguyên nhân cơ bản là do vi khuẩn gây nên thì sẽ thích hợp sử dụng. Khi đó, việc điều trị có thể khó khăn và vi khuẩn thường phát triển mạnh trong các khu vực ấm, ẩm và tối ở các hốc xoang. Tình trạng nhiễm trùng này thường sẽ đáp ứng với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bạn có khi cần điều trị trong vòng 1–3 tuần hoặc lâu hơn. Việc lựa chọn kháng sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: dị ứng, các thuốc kháng sinh đã từng sử dụng trước đây và triệu chứng bệnh. Đôi lúc, bác sĩ sẽ lấy chất nhầy từ mũi bạn để nuôi cấy và định danh vi khuẩn. Xét nghiệm này cũng giúp việc lựa chọn kháng sinh sử dụng hiệu quả hơn. Phần lớn trường hợp viêm xoang (nhiễm trùng đường hô hấp trên) được điều trị thành công mà không cần phải sử dụng kháng sinh. Do đó, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi mà không có chỉ định từ bác sĩ. Điều này có thể gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh, làm mất hiệu quả điều trị của thuốc trị viêm xoang.
Thuốc thông mũi
Nhóm thuốc chữa viêm xoang này có nhiều dạng bào chế khác nhau, như viên nén, siro uống hoặc dạng xịt với công dụng giảm tạm thời triệu chứng nghẹt mũi do mở rộng xoang hơn. Thuốc thông mũi tác dụng tại chỗ dạng xịt có thể mang lại hiệu quả tức thì khi giảm bớt sưng ở các mô ở mũi, giúp dễ thở hơn. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ nên sử dụng trong 2–3 ngày liên tiếp vì nếu dùng lâu hơn sẽ gây phản tác dụng, khiến bạn nghẹt mũi trầm trọng hơn. Thuốc thông mũi dùng toàn thân cũng có tác dụng làm giảm sưng niêm mạc mũi, giúp quá trình dẫn lưu chất nhầy diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do nồng độ thuốc trong máu cao nên có nhiều khả năng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Bạn có thể bị tăng huyết áp, lo lắng, mất ngủ, gặp các vấn đề ở tuyến tiền liệt (nam giới)… Do đó, bạn nên thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng nhóm thuốc này.
Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin hoạt động dựa trên cơ chế ngăn cho histamin gắn kết với thụ thể gây ra những tác động tiêu cực đến cơ thể. Histamin là một chất hóa học trung gian được phóng thích trong các phản ứng dị ứng. Các thuốc kháng histamin cũng có nhiều dạng bào chế khác nhau như dạng xịt, dạng viên uống hoặc siro. Công dụng của nhóm thuốc này là làm giảm bớt các triệu chứng dị ứng khi hắt hơi, ngứa mắt và mũi, giảm nghẹt mũi và sản xuất chất nhầy. Bác sĩ có thể kê thêm các thuốc trị viêm xoang này, nhất là khi có xuất hiện dị ứng.
Các thuốc kháng histamin phổ biến bao gồm:
- Loratadine
- Chlorpheniramine
- Diphenhydramine
- Desloratadine
- Fexofenadine
- Cetirizine
- Azelastine
- Olopatadine
Thuốc biến đổi leukotriene (Leukotriene modifiers)
Leukotriene tham gia vào quá trình viêm ở mũi, xoang, phổi, mắt và da. Thuốc biến đổi leukotriene sẽ giúp giảm bớt tình trạng viêm mũi và xoang. Bạn có thể sử dụng các thuốc trị viêm xoang này khi có polyp mũi và nhạy cảm với aspirin. Đôi lúc, thuốc biến đổi leukotriene được dùng phối hợp với thuốc xịt mũi và thuốc kháng histamin.